Đánh giá game Curious Expedition 2
Curious Expedition 2 là game mô phỏng thám hiểm roguelike đầy thỏa mãn với giá trị chơi lại cao. Mặc dù con số 2 dễ khiến bạn nghĩ đây phần ...
Curious Expedition 2 là game mô phỏng thám hiểm roguelike đầy thỏa mãn với giá trị chơi lại cao. Mặc dù con số 2 dễ khiến bạn nghĩ đây phần chơi hậu bản, nhưng kỳ thực là trải nghiệm hoàn toàn độc lập. Ngoài cơ chế gameplay cơ bản có sự tương đồng không tránh khỏi, người chơi không nhất thiết trải nghiệm từng game theo thứ tự để hiểu cốt truyện. Đó là chưa kể phần chơi này bổ sung nhiều cơ chế gameplay thú vị cùng chế độ chơi Director mới, giúp nâng tầm trải nghiệm hấp dẫn hơn và vượt xa game tiền nhiệm về tính thử thách.
Curious Expedition 2 mở đầu với Prologue được thiết kế như hướng dẫn cơ bản. Trò chơi từng bước dẫn dắt bạn dấn thân vào hành trình khám phá thế giới của nhà thám hiểm Victoria Malin trong bối cảnh châu Âu cuối thế kỷ 19. Nếu bạn từng chơi Curious Expedition trước đây, đó vẫn là trải nghiệm khám phá nặng yếu tố roguelike trong xây dựng câu chuyện kể và những địa điểm mà bạn tiếp cận. Điểm khác biệt dễ nhận thấy là đồ họa không còn dấu vết pixel như phần chơi trước, mang cảm giác như những bức tranh vẽ tay hơn.
Dù cách phối màu vẫn tiếp tục sử dụng đa dạng màu sắc, nhưng thay đổi này giúp trải nghiệm được cải thiện hơn rất nhiều so với phần đầu. Nếu như trước đây tôi thường cảm thấy hoa mắt trước nhiều mảng màu xen lẫn với điểm ảnh, lớp đồ họa mới của Curious Expedition 2 giúp trải nghiệm tốt hơn rất nhiều. Đó là nhờ vào mức độ chi tiết hình ảnh rất cao, tiết chế tốt hơn những tiểu tiết gây nhiễu thị giác của người chơi, kết hợp cùng thiết kế roguelike có tính ngẫu nhiên và mang đến trải nghiệm game hấp dẫn hơn bội phần.
Tuy nhiên, Curious Expedition 2 vẫn chưa có sự điều chỉnh trong hướng dẫn cơ chế gameplay cơ bản ban đầu. Trò chơi vẫn đổ cho bạn cả núi thông tin ngay từ Prologue, dễ khiến người chơi mới cảm thấy choáng ngộp khi phải xử lý và ghi nhớ rất nhiều thứ để chuẩn bị cho trải nghiệm. Ở góc độ người chơi, đây là điểm trừ không hề nhỏ vì không có sự cải thiện và điều chỉnh khắc phục vấn đề của phần chơi trước. Chính vì thế, lời khuyên của tôi vẫn không thay đổi: đừng bỏ qua hướng dẫn ban đầu vì bạn chắc chắn rất cần đến nó!
Lối chơi của Curious Expedition 2 vẫn tương đồng phần trước. Người chơi điều khiển một nhóm nhà thám hiểm khởi hành từ Paris thông qua một trong ba nhóm mạnh thường quân khác nhau. Mỗi mạnh thường quân sẽ có những yêu cầu nhất định về những gì phải làm. Nhiệm vụ của bạn là điều phối mọi người tiếp cận các hòn đảo chưa ai khám phá, thu thập chiến lợi phẩm và quản lý thành viên cũng như vật phẩm. Bạn phải đối mặt với rất nhiều mối nguy hiểm được phát sinh ngẫu nhiên. Tương tự, địa hình đảo đa dạng cũng được trò chơi kiến tạo ngẫu nhiên.
Di chuyển trên đảo tốn Sanity. Do vậy, chuẩn bị những vật phẩm để phục hồi Sanity nhằm đảm bảo việc khám phá thông suốt là điều rất quan trọng. Thế nhưng, nói dễ hơn là vì bạn không biết trước địa hình và vị trí các công trình ẩn trên đảo nằm ở đâu. Trong khi đó, việc khám phá ban đầu đều dựa trên yếu tố mơ hồ nói trên. Bạn mở rộng vùng thám hiểm tới đâu thì chỉ biết tới đó. Nếu để âm Sanity, các thành viên trong đoàn thám hiểm sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề. Nhẹ thì bị bệnh còn nặng thì trở nên điên loạn, sợ hãi với mọi thứ xung quanh.
Đó là chưa kể rất nhiều hiểm họa và cơ hội tiềm ẩn, gián tiếp làm tiêu hao Sanity của đoàn thám hiểm theo cách mà bạn không ngờ tới. Đó có thể là quy tắc ứng xử chưa phù hợp với người dân bản địa khiến bạn rơi vào ô “mất lượt”, nhưng đôi khi lại là những khó khăn ngoài ý muốn. Chẳng hạn không tìm được chỗ trú ẩn trên đảo để hạ trại và nghỉ ngơi. Thử thách là thế nhưng khám phá chỉ là một phần của trải nghiệm. Phần còn lại là những cuộc đụng độ từ tương tác đến chiến đấu, xoay quanh cơ chế ngẫu nhiên thông qua đổ xí ngầu.
Kỳ thực, đụng độ có rất nhiều trường hợp. Đụng độ với nhà thám hiểm đi lạc đang cần tiếp tế giúp bạn bổ sung thành viên đoàn. Tuy nhiên, đụng độ với các bộ tộc lại là câu chuyện khác. Họ thường có những yêu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa mới cho phép bạn nghỉ ngơi lấy sức hồi Sanity. Trong tình huống ngẫu nhiên khác, họ có thể nhờ bạn giúp đỡ thông qua nhiệm vụ nhất định, chẳng hạn tiêu diệt quái thú lảng vảng gần đó gây hại cho bộ tộc. Thế nhưng, kịch tính nhất là tương tác xoay quanh đổ xí ngầu để tìm câu trả lời.
Nếu xí ngầu thỏa điều kiện thì tương tác nói hoàn thành, kết quả là bạn thu về nhiều lợi thế cho đoàn thám hiểm hơn. Có khi bạn lại được yêu cầu đưa ra những quyết định tác động đến mối quan hệ ngoại giao giữa đôi bên nhưng không cần đổ xí ngầu. Tùy vào phản ứng của người chơi thông qua lựa chọn lời thoại mà thái độ của tộc trưởng cũng thay đổi. Đáng nói, phản ứng này dường như có tính ngẫu nhiên giữa các lần thám hiểm khác nhau. Tương tự, chiến đấu trong Curious Expedition 2 cũng xoay quanh yếu tố ngẫu nhiên.
Về cơ bản, trò chơi sẽ kiểm tra số lần đổ xí ngầu thành công của bạn. Thay vì in mặt số như ngoài đời, xí ngầu trong Curious Expedition 2 là những hình ảnh kỹ năng tương ứng công, thủ và thuộc tính. Vấn đề ở chỗ, không phải mặt nào cũng có kỹ năng mà có thể là mặt rỗng. Nếu lần đổ đầu tiên ra những mặt rỗng nói trên, bạn có thêm cơ hội đổ xí ngầu lần hai. Mỗi thành viên trong đoàn thám hiểm đều có xí ngầu riêng liên quan đến chức nghiệp và trang bị của họ. Thế nhưng, yếu tố ngẫu nhiên khiến chiến đấu nhiều khi khá ức chế.
Trải nghiệm Curious Expedition 2 càng kịch tính hơn và phần thắng khó nghiêng về phía người chơi nếu bạn để bất kỳ nhân vật nào thiệt mạng. Vấn đề ở chỗ, ai rồi cũng phải chết và đây là điều gần như không tránh khỏi trong trải nghiệm game. Tùy vào thiết lập độ khó mà khi cả đoàn không còn ai thì mức độ trừng phạt cao hay thấp. Chẳng hạn ở độ khó Adventurer, bạn chỉ phải chơi lại từ đầu năm hiện tại với đoàn thám hiểm hoàn toàn mới. Trong khi đó, độ khó Lunatic buộc bạn phải chơi lại từ đầu trải nghiệm Campaign.
Mỗi lớp nhân vật trong đoàn thám hiểm đều có ưu và khuyết điểm riêng. Trong từng trường hợp cụ thể, lớp nhân vật này có thể hữu ích hơn lớp nhân vật khác và ngược lại. Chính vì vậy mà việc tuyển dụng người cho đoàn thường khá căng thẳng, nhưng đồng thời cũng mang đến giá trị chơi lại rất cao cho Curious Expedition 2. Tuy mô tả vòng lặp gameplay có vẻ đơn điệu và nhàm chán nhưng kỳ thực ngược lại. Yếu tố roguelike trong kiến tạo hòn đảo và các sự kiện, kết hợp cùng khám phá và chiến đấu ngẫu nhiên mang đến trải nghiệm rất hào hứng.
Dù vậy, yếu tố roguelike chưa bao giờ tạo cảm giác công bằng giữa các lần trải nghiệm và Curious Expedition 2 cũng vậy. Chưa kể, trò chơi còn có vấn đề về hiệu năng trên hệ máy của Nintendo. Đángn nói, trải nghiệm Curious Expedition trước đây cũng mắc phải vấn đề tương tự, đặc biệt trong những màn chơi rộng lớn. Tuy trải nghiệm đặc trưng theo lượt khiến nó khó trở thành vấn đề lớn, nhưng khó tránh khỏi trở thành cái gai trong mắt người chơi, nhất là khoảnh khắc lớp sương mù tím xuất hiện và đe dọa sự tồn vong của đoàn thám hiểm.
Nếu như thế chưa đủ hấp dẫn, Curious Expedition 2 còn có thêm Director Mode rất thử thách, dành cho những ai nghiện cảm giác tự vượt qua chính mình. Chế độ chơi này bổ sung một số cơ chế gameplay mới trong mỗi chuyến thám hiểm, biến trải nghiệm trở nên kịch tính và hào hứng hơn. Chúng chủ yếu là chướng ngại vật rải rác trên đảo để tăng độ khó. Ngoài ra, bạn còn có thể đăng ký sự kiện Club Competition trực tuyến diễn ra hằng tuần để tham gia thử thách chạy đua thám hiểm cùng thời gian để nhận thưởng hậu hình hơn.
Chưa hết, trải nghiệm Curious Expedition 2 đưa bạn gặp gỡ rất nhiều nhân vật có thật trong lịch sử, thậm chí chiêu mộ họ làm nhân vật điều khiển trong đoàn thám hiểm. Từ nhà hoạt động chính trị Harriet Tubman người Mỹ cho đến nhà văn Howard Phillips Lovecraft người Mỹ mà các tín đồ của thể loại kinh dị rùng rợn không thể không biết. Thế nhưng, đây không phải trải nghiệm dành cho số đông. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là thiết kế roguelike nặng tính ngẫu nhiên, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong gameplay là gánh nặng may rủi không hề nhỏ.
Sau cuối, Curious Expedition 2 mang đến một trải nghiệm mô phỏng thám hiểm rất đặc sắc, luôn buộc người chơi đưa ra những lựa chọn khó. Trò chơi bổ sung nhiều cơ chế gameplay thú vị hơn so với phần đầu, tạo nên trải nghiệm game vô cùng hào hứng và cuốn hút. Nếu bạn yêu thích Curious Expedition nói riêng và trải nghiệm game có chiều sâu cũng như giá trị chơi lại cao nói chung, đây chắc chắn là cái tên rất đáng để khai phá.
Curious Expedition 2 hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Curious Expedition 2 ($ 19.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đánh giá game Curious Expedition 2