Bạn nên ứng xử ra sao khi bắt đầu công việc mới?
Bạn nên ứng xử như thế nào để nhanh chóng thích nghi với công việc và môi trường mới? Một số mẹo sau đây bạn có thể áp dụng khi bắt đầu công...
Bạn nên ứng xử như thế nào để nhanh chóng thích nghi với công việc và môi trường mới? Một số mẹo sau đây bạn có thể áp dụng khi bắt đầu công việc mới ở vị trí nhân sự tiếng Nhật, kế toán hay Marketing…
Niềm vui khi bắt đầu công việc mới của bạn sẽ đan xen với tâm trạng lo lắng, hồi hộp. Bởi ở môi trường mới, sếp mới, đồng nghiệp mới, áp lực với bạn là không thể tránh khỏi. Vậy bạn nên ứng xử như thế nào để nhanh chóng thích nghi với công việc và môi trường mới? Một số mẹo sau đây bạn có thể áp dụng khi bắt đầu công việc mới ở vị trí nhân sự tiếng Nhật, kế toán hay Marketing…
Tuân thủ quy định của công ty
Khi đạt được thỏa thuận với công ty và trở thành nhân viên chính thức đồng nghĩa, bạn phải tuân thủ quy định, quy chế công ty. Là nhân sự mới, bạn lại càng cần phải nắm rõ và tuân thủ quy định đó một cách tốt nhất.
Đó có thể chỉ đơn giản là quy định về trang phục, về giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, về môi trường, văn hóa doanh nghiệp… nhưng nó phản ánh ý thức, thái độ của bạn với công ty, với môi trường mới. Rất nhiều nhân sự mới phải nghỉ việc sớm vì đi làm không đúng giờ, văn hóa thiếu lịch sự, tác phong thiếu chuẩn mực. Vì vậy, bạn nên đặc biệt lưu ý điều này.
Nếu một nhân sự lâu năm có thể đến công ty sát giờ thì với nhân sự mới, bạn nên đến công ty sớm hơn giờ làm việc chính thức khoảng 5 – 10 phút. Thời gian đó để bạn sắp xếp lại chỗ làm việc hoặc giao lưu với đồng nghiệp… Bạn cũng nên ra về muộn hơn những nhân sự cũ để hoàn thiện công việc còn sót lại hay tranh thủ thêm thời gian tìm hiểu về công ty…
Những hành động này của bạn luôn trong tầm ngắm rất kỹ của nhân sự, quản lý hay sếp cấp cao và thực sự họ luôn đánh giá cao những phẩm chất này của bạn.
Chủ động trong công việc
Bạn đừng nghĩ, là nhân sự mới, bạn chưa nắm bắt được công việc nên bạn có quyền ngồi “chờ” sếp hay quản lý khác giao việc. Có thể chính quản lý cũng đang “chờ” bạn nên nếu bạn thụ động chờ việc giao đến tận tay, chờ người khác hỏi bạn cần gì, chưa rõ điều gì, bạn sẽ bị mất điểm.
Thay vào đó, bạn hãy chủ động trong mọi việc. Chủ động hỏi những điều bạn chưa nắm rõ từ công việc cá nhân tới công việc liên quan đến nhóm; từ việc hàng ngày đến hàng tuần. Khi tìm hiểu mà vẫn chưa rõ thì hãy đặt câu hỏi với những người liên quan, có thể là sếp, có thể là nhân sự, có thể là đồng nghiệp.
Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Đồng nghiệp có vai trò quan trọng, có thể ảnh hưởng tới tâm trạng, tới hiệu quả công việc của bạn. Nhất là khi bắt đầu công việc mới, bạn cần đồng nghiệp vừa hỗ trợ, hướng dẫn. Họ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa công ty, phong cách làm việc của đội nhóm, thậm chí tính cách của sếp… để bạn có ứng xử phù hợp và hiệu quả.
Nên thay vì khép mình, chỉ tập trung vào công việc, hãy dành thời gian cho đồng nghiệp. Bạn có thể đi làm sớm hơn để có thời gian trò chuyện với đồng nghiệp nhiều hơn. Bạn có thể tranh thủ những bữa ăn trưa cùng đồng nghiệp, xin thông tin mạng xã hội, thông tin zalo… kết nối, hỏi thăm và chia sẻ với họ.
Khi bạn cởi mở và thân thiện với đồng nghiệp thì mọi người cũng sẵn sàng đón nhận, chia sẻ và giúp đỡ bạn. Bởi vậy, dành thời gian cho đồng nghiệp, tạo dựng mối quan hệ với họ khi “chân ướt chân ráo” bước vào công ty thực sự quan trọng.
Hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn
Thời hạn và hiệu quả công việc rất quan trọng khi bạn là nhân sự mới. Bạn cần sắp xếp công việc và có kế hoạch cụ thể. Bạn hãy lên lịch từng việc, theo thứ tự ưu tiên, thậm chí công việc của ngày mai, bạn nên định hình vào cuối của buổi chiều ngày hôm nay.
Bạn cũng nên dành ra khoảng thời gian nhất định cho những công việc phát sinh để tránh trường hợp khi công việc không theo đúng lộ trình, bạn không bị cuống, bị rối mà mất phương hướng. Thậm chí, bạn nên làm thêm giờ để có thể hoàn thành tốt nhất công việc được giao.
Tự tin, lạc quan và luôn sẵn sàng học hỏi
Rõ ràng, áp lực và tâm lý là điều không tránh khỏi với nhân sự mới. Nhưng ai cũng đã từng và sẽ phải trải qua vai trò này. Bởi vậy, bạn hãy gạt bỏ tâm lý lo sợ. Thay vào đó bạn nên tin vào chính mình, lạc quan và cầu tiến, sẵn sàng học hỏi mọi người trong công ty.
Với năng lượng tích cực, với tinh thần cầu thị, chắc chắn những ứng xử của bạn với công việc, với mọi người sẽ được công ty ghi nhận. Sự ủng hộ của mọi người, sự tin tưởng của sếp và sự tự tin chính bản thân sẽ giúp bạn sớm vượt qua những tháng ngày là nhân sự mới của công ty.
Ai cũng có những ngày bắt đầu công việc mới. Hãy luôn sẵn sàng một tâm thế, kỹ năng, chuyên môn và cách ứng xử khéo léo để những ngày đầu tiên ấy trôi qua thật nhiều ý nghĩa, nhiều cảm xúc với bạn. Chúc bạn thành công!
Nguyễn Lý
Bạn nên ứng xử ra sao khi bắt đầu công việc mới?