Đánh giá game Dreamscaper
Dreamscaper là game hành động kết hợp cùng yếu tố roguelike trong xây dựng trải nghiệm thiên về câu chuyện kể và truyền tải nhiều thông điệp...
Dreamscaper là game hành động kết hợp cùng yếu tố roguelike trong xây dựng trải nghiệm thiên về câu chuyện kể và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa. Đây là hướng đi hiếm thấy đến từ nhà phát triển Afterburner Studios. Kỳ thực, phần lớn những trải nghiệm roguelike thường không đặt nặng yếu tố cốt truyện do lối chơi đặc trưng, ít nhất là trước khi Hades ra mắt trong năm 2020 đầy thử thách. Tuy vẫn xoay quanh cơ chế kiến tạo sinh màn chơi bằng thuật toán, nhưng đội ngũ phát triển Afterburner tạo nên trải nghiệm game đáng suy ngẫm hơn.
Thay đổi chỗ ở có lẽ là một trong những trải nghiệm khó quên mà không hiếm người từng trải qua một lần trong đời. Thậm chí, tôi vẫn nhớ như in cảm giác một thân một mình rời xa quê nhà đi trọ học thời sinh viên. Từ thay đổi trong môi trường sống cho đến láng giềng gần đều mang tới không ít cảm xúc tiêu cực cho người viết. Nó tương tự những gì mà dịch bệnh gây nên vấn đề tâm lý cho chúng ta ở thời điểm hiện nay. Ngay cả khi không nhìn từ góc độ này, trải nghiệm Dreamscaper vẫn để lại cho tôi không ít sự đồng cảm cùng nhân vật chính.
Dreamscaper kể về câu chuyện của cô bạn trẻ Cassidy khi chuyển từ thị trấn Back Hill đến sống tại căn hộ ở thành phố Red Haven. Trải nghiệm game diễn ra ở hai thế giới: Waking và Dreaming. Như cái tên gợi ý, Waking là khi nhân vật chính tỉnh giấc, trải nghiệm đời thường và đến các địa điểm khác nhau trong thành phố để tương tác với mọi người. Trải nghiệm Waking giống như mô phỏng cuộc sống vậy. Người chơi điều khiển nhân vật chính tiếp cận, làm quen các NPC, trò chuyện và tặng quà nhằm gắn kết mối quan hệ với họ.
Mức độ thân thiết của những mối quan hệ này gián tiếp tác động đến khả năng chiến đấu của nhân vật chính trong trải nghiệm Dreaming đầy ác mộng mỗi khi Cassidy lăn ra ngủ. Mối quan hệ trong cuộc sống thật càng tốt đẹp, nhân vật chính càng mạnh hơn trong giấc mơ và ngược lại. Vấn đề ở chỗ, nhịp sinh học của Cassidy không cho người chơi nhiều thời gian để tương tác với tất cả NPC mỗi ngày. Chính vì thế, bạn chỉ có thể tập trung cải thiện quan hệ với NPC nhất định thông qua tương tác chuyện trò và tặng quà tự làm.
Đội ngũ biên kịch khá thành công khi xây dựng hội thoại giữa các nhân vật tự nhiên như trải nghiệm đời thường, không tạo cảm giác gượng ép. Mỗi cuộc trò chuyện đều hé lộ điều gì đó về quá khứ của Cassidy, góp phần cuốn hút người chơi vào trải nghiệm Dreamscaper hơn. Tương tác với các NPC cũng giúp bạn hiểu rõ hơn về sở thích của họ, từ đó dễ đoán món quà yêu thích cho mỗi người hơn. Nó giúp người chơi rút ngắn thời gian, đặc biệt là tiết kiệm tiền Sand khó kiếm mà bạn bỏ ra làm đồ handmade rồi tặng từng món để thăm dò đối phương.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc Cassidy bước vào những cơn ác mộng trong thế giới Dreaming. Về cơ bản, Dreamscaper sử dụng yếu tố roguelike trong xây dựng màn chơi phát sinh bằng thuật toán. Những giấc mơ của nhân vật chính được thể hiện qua các thế giới, chia thành nhiều không gian nhỏ nối tiếp nhau. Người chơi khám phá và chiến đấu với các quái vật mang tạo hình ẩn dụ, sử dụng kết hợp vũ khí cận chiến lẫn tầm xa. Bối cảnh trong Dreaming là những địa danh từ cuộc sống đời thường của Cassidy nhưng đầy hiểm họa khó lường.
Đó không chỉ là những sinh vật kỳ lạ không rõ hình dạng cho đến những cạm bẫy chỉ chực chờ triệt tiêu bạn. Từng thế giới luôn có những bí mật chờ bạn khám phá và kết thúc bằng trận đánh boss đầy hào hứng. Boss trong Dreaming cũng vậy. Chúng được sinh ra từ cảm xúc tiêu cực của nhân vật chính và mang những tạo hình khiến tôi không tránh khỏi cảm giác bất ngờ khi đọc tên. Điều này không chỉ thể hiện ở cái tên bằng tiếng Anh như Fear hay Isolation v.v…, mà cả tạo hình “râu ông này cắm cằm bà kia” của chúng.
Đơn cử như quái vật Fear khổng lồ sống dưới nước có đầu giống cá mập, thân như cá sấu trong khi đuôi lại có xúc tu với những đòn tấn công rất phong phú khiến bạn toát mồ hôi né tránh. Màn chơi được thiết kế khá tốt với kẻ thù rất đa dạng. Mỗi loại kẻ thù đều có cách tấn công và điểm yếu riêng, đòi hỏi người chơi phải có chiến thuật cụ thể khi tiếp cận chúng. Điều thú vị là mặc dù Dreamscaper tái sử dụng asset khá nhiều trong bối cảnh, nhưng nó lại phản ánh khá đúng tâm trí của Cassidy luôn bất an với mọi thứ trong cuộc sống.
Thậm chí phần lớn những vật phẩm mà người chơi thu thập trong trải nghiệm Dreamscaper, nếu không liên quan đến văn hóa đại chúng thì cũng khiến bạn thích thú khi nhận ra sự thân thuộc của chúng ở góc độ nào đó. Thế nhưng nếu thất bại trong Dreaming, người chơi mất tất cả những vật phẩm kể trên. Thứ mà bạn giữ được là những gì có được từ các mối quan hệ trong thế giới Waking. Trò chơi cũng không làm khó người chơi như Hades. Nếu muốn, người chơi có thể bỏ qua việc tái đấu những con boss từng bại trận dưới tay bạn trong giấc mơ mới.
Dù vậy, điểm cộng lớn nhất và cũng chiếm thời lượng nhiều nhất trong trải nghiệm Dreamscaper là chiến đấu. Cassidy có thể lăn tròn né tránh và sử dụng cản đòn (parry) gậy ông đập lưng ông làm tê liệt kẻ thù và cản phá các đòn tấn công tầm xa của kẻ thù. Đáng chú ý, khía cạnh này được xây dựng rất hào hứng với lối chơi chặt chém tương tự Ultra Age. Không những thế, trò chơi còn khiến người viết ấn tượng với số lượng vũ khí đa dạng. Phần lớn là những món đồ chơi tuổi thơ dữ dội của thế hệ 8x và 9x, chẳng hạn yo-yo hay súng nước.
Ngược lại, điểm trừ lớn nhất của Dreamscaper lại là cảm giác chiến đấu không chớp nhoáng. Chuyển động tấn công của Cassidy không tạo cảm giác hành động mà giống như đang tập dưỡng sinh vậy. Ở góc độ người chơi, nhịp độ tấn công như thế khiến trải nghiệm chiến đấu bớt đi chút cảm giác hào hứng như các game Devil May Cry kinh điển. Tôi đồ rằng đây là chủ ý thiết kế của nhà phát triển nhằm tách bạch giữa hai thế giới Waking và Dreaming, đồng thời làm giảm đi tính thử thách để trò chơi thân thiện với nhiều người chơi hơn.
Giá trị chơi lại cũng là điểm cộng của Dreamscaper nhờ vào thiết kế màn chơi phát sinh ngẫu nhiên theo thuật toán, cộng với thiết lập độ khó được tùy biến theo những khía cạnh khác nhau. Thậm chí nếu gặp khó khăn với trải nghiệm game, người chơi có thể kích hoạt Lucid Mode tương tự God Mode trong Hades. Cảm giác chiến đấu nhạy nút và vòng lặp gameplay luôn khá thỏa mãn với phần thưởng hợp lý, khuyến khích người chơi quay lại trải nghiệm game ngay cả trường hợp thất bại sau nhiều lần khám phá giấc mơ của Cassidy.
Khía cạnh nghe nhìn của Dreamscaper chỉ có thể gói gọn trong hai chữ xuất sắc. Các nhân vật đều mang thiết kế không có khuôn mặt có chủ đích, phù hợp với câu chuyện kể và thông điệp mà trò chơi truyền tải. Hiệu năng game ấn tượng trên hệ máy của Nintendo. Đặc biệt, phiên bản Switch có Performance Mode cho bạn lựa chọn giữa tốc độ khung hình 60 fps và 30 fps như Darksiders Warmastered Edition. Tuy nhiên, tốc độ khung hình 60 fps phải đánh đổi bằng độ phân giải thấp, khiến chất lượng hình ảnh giảm sút khá nhiều dù chơi handheld hay gắn dock.
Sau cuối, Dreamscaper mang đến một trải nghiệm hành động tuyệt vời gần như mọi khía cạnh, xứng đáng là cái tên phải có trong thư viện game của bạn. Cảm giác chiến đấu thỏa mãn, phần thưởng hấp dẫn, giá trị chơi lại cao, khía cạnh nghe nhìn xuất sắc và hiệu năng quá tốt ngay cả trên hệ máy của Nintendo. Đó là những gì bạn có thể trông đợi ở tựa game này!
Dreamscaper hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Dreamscaper ($ 24.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đánh giá game Dreamscaper