15 ứng dụng học ngôn ngữ tốt nhất
Không chỉ là làm việc, giải trí, liên lạc, giờ đây bạn còn có thể học ngôn ngữ trên chính chiếc điện thoại của mình với top 15 ứng dụng học ...
Không chỉ là làm việc, giải trí, liên lạc, giờ đây bạn còn có thể học ngôn ngữ trên chính chiếc điện thoại của mình với top 15 ứng dụng học ngôn ngữ tốt nhất hiện nay. Cùng khám phá ngay thôi nào.
[toc]Tuy nhiên, trước khi nghía qua danh sách 15 ứng dụng này, hãy cùng tìm hiểu một số kỹ thuật để lựa chọn ứng dụng phù hợp nhất. Vì dĩ nhiên, bạn chẳng thể học cùng lúc trên 15 ứng dụng này được. Vì vậy nắm được cách thức lựa chọn cũng là một chuyện quan trọng không kém.
5 kỹ thuật để lựa chọn ứng dụng học ngôn ngữ
1. Xem các review
Nếu muốn biết thêm về chất lượng của ứng dụng, thì hãy đọc các review. Điều này cũng giống như khi bạn mua hàng vậy.
Để có cái nhìn chính xác nhất, đừng chỉ tập trung vào xếp hạng sao. Bởi vì đó chỉ là chỉ số trung bình xếp hạng bởi người dùng, chứ chưa phản ánh tất cả khía cạnh và trải nghiệm. Chẳng hạn một cái đánh giá 5 sao với vài dòng như “Tuyệt vời” rõ ràng chẳng có ý nghĩa gì khi bạn muốn hiểu hơn về ứng dụng.
Do đó, bạn cần đọc kỹ các review trình bày rõ ưu điểm, khuyết điểm của ứng dụng. Hãy tập trung vào các review đánh giá 2,3,4 sao, bởi đây đa số đều là những review thực, không phải review ảo (5 sao có thể do chính bên phát hành đánh giá, 1 sao có thể do bị đối thủ đánh giá).
Ngoài ra, đừng tin tưởng tuyệt đối vào những review được viết quá chỉnh chu và quá một chiều. Hãy đọc nhiều review, xem các ý được lặp đi lặp lại là gì. Có như vậy, bạn mới có thể nắm được thông tin chính xác về ứng dụng.
2. Một lĩnh vực chỉ nên chọn 1 ứng dụng
Dĩ nhiên trên App Store hoặc Google Play có vô số ứng dụng. Cái nào nhìn cũng hấp dẫn. Nhiều người còn có tâm lý tải thật nhiều để dự phòng, nhưng đa số chẳng hề đụng đến. Vậy nên tốt nhất vẫn là chỉ lựa ra một ứng dụng cho một lĩnh vực. Trong học ngôn ngữ, các lĩnh vực bao gồm:
- Ứng dụng các khóa học
- Ứng dụng từ điển
- Ứng dụng phát triển từ vựng
- Ứng dụng biên phiên dịch
- Ứng dụng trao đổi ngôn ngữ
Vì sao chỉ được chọn 1? Bởi vì bạn cần sự tập trung.
Khi tải quá nhiều ứng dụng, bạn thường bị phân tâm, chuyển từ ứng dụng này sang ứng dụng khác. Trong khi đó, đào sâu một ứng dụng còn hiệu quả hơn chỉ học sơ sơ nhiều ứng dụng. Ngược lại, bạn sẽ bỏ lỡ mất kha khá bài học có giá trị trên các ứng dụng này.
3. Tiêu chí duy nhất để đánh giá: Bản thân bạn
Không một ứng dụng nào hoàn hảo 100%, đó là điều chắc chắn. Vẫn luôn có những lỗ hổng cần vá, những tính năng cần nâng cấp. Vậy nên tiêu chí duy nhất để bạn đánh giá và lựa chọn chính là bản thân bạn.
Hay nói cách khác, bạn không thể tìm được một ứng dụng hoàn hảo 100%, mà chỉ có thể dựa vào nhu cầu, mục đích của chính bản thân để chọn một ứng dụng phù hợp nhất.
Vậy nên nếu khi đọc review và thấy một vài phàn nàn, thì đừng vội bỏ qua luôn một ứng dụng nào đó. Vì có thể những khuyết điểm đó không ảnh hưởng gì đến bạn.
4. Tải và xóa
Để tìm hiểu xem ứng dụng đó có thực sự cần thiết với bạn hay không, chẳng có cách nào hữu hiệu hơn việc tải xuống và dùng thử.
Dùng thử ở đây tức là khám phá hết tính năng chính và dùng có mục đích, xem thử những tính năng này có phục vụ được nhu cầu của bạn hay không. Thời gian dùng thử có thể kéo dài khoảng 1 tuần. Một vài ứng dụng có thể không gây ấn tượng tốt lúc ban đầu, tuy nhiên lại phù hợp về lâu về dài.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đổi quyết định bất kỳ lúc nào. Chẳng hạn bạn xóa một ứng dụng vì thấy hơi phiền phức, nhưng sau đó phát hiện ra tính năng của nó lại tốt hơn các ứng dụng khác. Khi đó cứ tự tin tải về lại và sử dụng.
5. Mua sau
Đa số các ứng dụng học ngôn ngữ đều miễn phí tải về, nhưng chứa một số dịch vụ/tính năng cần trả phí để mở khóa. Mô hình này cho phép bạn khám phá được ứng dụng thay vì phải bỏ tiền ngay từ lúc đầu khi chưa biết gì về ứng dụng.
Với những ứng dụng yêu cầu trả phí cho một số dịch vụ, hãy đảm bảo bạn đã khám phá hết các tính năng miễn phí. Vì biết đâu các tính năng miễn phí này đã đủ dùng với bạn.
Trước khi bỏ tiền mở khóa tính năng mới, hãy suy xét kỹ lưỡng xem tính năng mới đó có thực sự cần thiết không, có giúp nâng cao trải nghiệm của bạn hay không; hoặc xem thử có ứng dụng nào cũng có tính năng tương tự nhưng miễn phí hay không.
Khi đã chọn được một (vài) ứng dụng ưng ý nhất, bước tiếp theo chính là học cách tận dụng triệt để các ứng dụng này để phục vụ mục đích của chính bạn.
5 bí quyết khai thác triệt để các ứng dụng học ngôn ngữ
1. “Ép” bản thân sử dụng thường xuyên
Trên điện thoại, có những thư mục hoặc những không gian bạn thường để mắt tới và thường mở ra. Ngược lại cũng có những ứng dụng nằm ở một góc mà bạn không bao giờ chạm tới.
Vậy nên để có thể sử dụng ứng dụng học ngôn ngữ thường xuyên, hãy để ứng dụng này trong tầm mắt, nơi bạn có thể thấy đầu tiên sau khi mở điện thoại. Bên cạnh đó, cũng có thể đặt chúng bên cạnh những ứng dụng yêu thích của mình như Facebook hoặc Instagram.
Ngoài ra, cũng đừng tải hàng loạt ứng dụng “trông có vẻ hữu ích” xuống điện thoại. Vì chúng chỉ khiến bạn bối rối và không thể chọn ra một ứng dụng nào để sử dụng thôi.
2. Cố gắng ghi chép lại. Chuyển việc học thành một hành trình
Bí quyết để học ngôn ngữ thành công là chuyển hóa quá trình này thành một phần của sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, không chỉ là học qua điện thoại, bạn còn cần ứng dụng để nói, suy nghĩ và viết. Trong đó, viết là một mảng rất quan trọng, vì chúng giúp bạn nhớ lâu hơn.
Vậy nên hãy thủ sẵn một quyển sổ và cây bút khi học, để bạn có thể ghi chép nhanh các từ vựng, cụm từ, những điểm ngữ pháp quan trọng,… Những kiến thức trong sổ ghi chép là những thứ cô đọng nhất, quan trọng nhất, và bạn có thể bao quát lại chỉ trong một trang giấy.
Khi bạn sử dụng ứng dụng để học ngoại ngữ, trí não của bạn cũng đang tự học, tự nói, chứ không phải là một thứ thụ động để bạn nhét kiến thức vào. Chẳng hạn bạn gặp một từ nào đó đã học rồi, não bạn sẽ nhảy lên suy nghĩ “đã gặp từ này ở đâu rồi”.
Vậy nên khi viết lại từ vựng đấy sau khi não nhớ được, bạn không chỉ sử dụng chúng trong một ngữ cảnh nhất định, mà còn giúp nhớ từ vựng thêm lần nữa. Khi đó, kiến thức sẽ khắc rất sâu trong đầu.
3. Học đi học lại, dù cho bạn nghĩ nó không cần thiết
Một ứng dụng thường có rất nhiều cấp độ. Nhiều người thích cảm giác học qua nhiều bài, nhiều cấp. Nó cho họ cảm giác “thành tựu” và nghĩ mình đã dung nạp tất cả kiến thức. Nhưng thực sự không phải vậy. Họ chỉ học qua, chứ không ghi nhớ.
Vậy nên bạn cần học đi học lại để ghi nhớ. Vì học ngôn ngữ không phải để chứng minh bạn đã học bao nhiêu bài, mà mục đích là để kiến thức khắc sâu trong đầu bạn. Bạn nên học từng chút, ôn tập lại, rồi học tiếp phần mới. Cách này sẽ giúp nhớ lâu hơn.
4. Chủ động học và luyện tập
Các ứng dụng không phải là một cách học ngôn ngữ thụ động. Muốn khai thác triệt để, bạn cần đầu tư và tương tác với ứng dụng. Cơ bản nhất là phải chủ động thực hiện các yêu cầu mà ứng dụng đưa ra, chẳng hạn lặp lại âm thanh, trả lời câu hỏi, thu âm giọng nói,… . Đừng bỏ qua bất kỳ yêu cầu gì.
5. Đừng bao giờ quên tự thưởng
Khi bạn đã hoàn thành việc học trong ngày, trong tuần,… đừng quên tự thưởng cho bản thân một chút gì đó. Có thể là một que kem, hoặc xem một tập phim thư giãn. Điều này thực sự quan trọng. Vì nó giúp trí não của bạn thoải mái, đồng thời trong tiềm thức bạn sẽ liên hệ việc học ngôn ngữ với những thứ vui vẻ.
Ngoài ra, cũng đừng học liên tục trong một thời gian quá dài trên ứng dụng. Bởi vì như vậy bạn đã biến việc học thành công việc. Khi đó bạn sẽ thấy mệt mỏi và không muốn học nữa.
Khi đã biết cách chọn và khai thác các ứng dụng học ngôn ngữ, thì hãy theo dõi ngay danh sách 15 ứng dụng dưới đây
15 ứng dụng học ngôn ngữ gây nghiện nhất
1. FluentU
Khả dụng trên iOS và Android
FluentU cũng giống như YouTube, chỉ khác ở chỗ dùng để học ngoại ngữ. Tức là ứng dụng này có hàng loạt video thực tế, từ MV ca nhạc, trailer phim, tin tức, các buổi nói chuyện,..Và biến chúng trở thành những bài học ngôn ngữ được cá nhân hóa.
Với công nghệ học tương tác của FluentU, các video đều có phần phụ đề. Chẳng hạn một video phỏng vấn bằng tiếng Pháp cũng sẽ được ghi lại dưới dạng văn bản và hiển thị bên dưới video. Khi đó, bạn chạm vào bất kỳ chữ nào trong phần văn bản này, thì các thông tin liên quan sẽ hiện ra, từ dịch nghĩa, định nghĩa, cho đến hình ảnh và ví dụ liên quan.
FluentU còn có chế độ học tập, cung cấp một chuỗi các câu hỏi từ vựng, yêu cầu bạn điền vào chỗ trống hoặc tìm phần dịch nghĩa tương ứng. Ngoài ra hệ thống flashcard tích hợp sẵn cũng là một tính năng hữu ích của ứng dụng này.
FluentU miễn phí tải về, miễn phí dùng thử 7 ngày và cung cấp bài học cho các ngôn ngữ: Tây Ban Nha, Pháp, Trung Quốc (tiếng Phổ thông), Đức, Nhật, Anh, Nga, Hàn Quốc và Ý.
2. Duolingo
Khả dụng trên iOS và Android
Nhắc đến ứng dụng học ngôn ngữ mà bỏ qua Duolingo thì thật là một thiếu sót lớn. Bởi đây là một trong những nền tảng học ngôn ngữ lớn nhất thế giới, có hơn 150 triệu người dùng với hơn 28 loại ngôn ngữ khác nhau. Năm 2015, Duolingo còn gọi được 45 triệu USD tiền vốn đầu tư từ Google Capital.
Vậy đâu là điều khiến Duolingo thành công như vậy? Bởi vì ứng dụng này tạo cho người học cảm giác “hoàn thành liên tục”. Tức là ứng dụng này thường đưa ra một số nhiệm vụ nho nhỏ để người học thực hiện, chẳng hạn hỏi nghĩa một số từ, ghi âm phần phát âm, hoặc nhập một đoạn dịch văn bản đơn giản. Khi đó hệ thống sẽ khuyến khích bằng cách tặng huy hiệu, điểm thưởng mỗi khi người dùng vượt qua một cấp độ nhất định.
Sử dụng ứng dụng càng lâu thì điểm tích lũy càng nhiều. Những điểm này gọi là Lingots, đó cũng là một loại tiền ảo trong thế giới Duolingo. Bạn có thể sử dụng chúng để mua hàng, chẳng hạn mua quần áo cho linh vật Duo của ứng dụng.
Tuy nhiên Duolingo chỉ thích hợp với những ai đang ở trong giai đoạn sơ cấp và trung cấp của quá trình học ngôn ngữ. Vì kiến thức trong Duolingo không sâu, chỉ là các trò chơi, những yêu cầu lặp lại và cái nhìn tổng quan về một số chủ đề chính. Vậy nên để có thể đào sâu trong từng bài học, từng chủ đề, bạn cần kết hợp Duolingo với một ứng dụng khác, chẳng hạn FluentU.
Bạn có thể học theo cách như sau: mỗi khi đã nắm được các bài học nhỏ trong Duolingo, hãy lên FluentU tìm các video liên quan và luyện tập các kiến thức với ngữ cảnh thực tế, xem thử người bản địa dùng từ ngữ đó như thế nào. Bạn cũng có thể tìm thêm các từ liên quan hoặc làm thêm bài tập.
Duolingo miễn phí tải về. Vậy nên hãy tận dụng ứng dụng này để bắt đầu học ngoại ngữ ngay bây giờ.
3. YouTube
Khả dụng trên iOS và Android
YouTube thì đã quá quen thuộc rồi. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ YouTube cũng có thể trở thành một công cụ học ngôn ngữ hữu hiệu? Vì sao ư? Vì YouTube có cả kho nội dung bằng rất nhiều thứ tiếng, và trong đó chắc chắn sẽ có video của thứ tiếng mà bạn đang muốn học.
Bạn muốn học tiếng Tây Ban Nha, Đức hay Pháp? Chắc chắn trên YouTube đều có rất nhiều kênh dạy những ngôn ngữ này của những bản địa. Các video như vậy không chỉ giúp bạn học ngôn ngữ, mà còn thực sự tìm hiểu và “hòa nhập” vào văn hóa bản địa.
Khi liệt kê YouTube là một ứng dụng học ngoại ngữ, điều đó không có nghĩa là bạn chỉ được xem các video dạy ngôn ngữ và không xem các video giải trí. Bạn chỉ cần dành thời gian và tạo thói quen học tập qua các video thôi. Hoặc bạn cũng có thể xem video giải trí bằng chính thứ tiếng mình vừa học – một công đôi việc.
4. Memrise
Khả dụng trên iOS và Android
Memrise là ứng dụng đoạt danh hiệu “Best App” năm 2017 trên Google Play Awards.
Ứng dụng này rất dễ gây nghiện với kỹ thuật lặp lại. Bạn có thể nghĩa rằng việc lặp lại từ ngữ rất là buồn tẻ. Thế nhưng Memrise có rất nhiều cách thú vị để bạn thực hiện việc lặp lại này. Ứng dụng này còn dạy các kỹ năng viết, nghe và đọc.
Việc học ngôn ngữ trong Memrise thường xoay quanh các hoạt động nhỏ, chẳng hạn dịch nghĩa một từ, nhập nội dung nghe được, chọn đáp án đúng từ các đoạn âm thanh. Từ mới và từ cũ cũng được kết hợp thường xuyên, giúp bạn vừa học kiến thức mới vừa ôn lại kiến thức cũ.
Các đoạn audio cũng xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động của Memrise. Chẳng hạn khi bạn nhập đáp án, nếu đáp án đúng thì hệ thống sẽ phát audio phát âm của từ đó trước khi bạn chuyển sang câu hỏi mới. Đây là một kỹ thuật rất hay để người học ghi nhớ từ vựng.
Một trong những tính năng tốt nhất của ứng dụng này là tích hợp video người bản địa phát âm các từ đang học. Điều này sẽ giúp người học có thêm hứng khởi học tập.
Memrise hiện tại cung cấp bài học cho 25 ngôn ngữ. Memrise miễn phí tải về gói Pro có giá 5 USD/tháng.
5. Rosetta Stone
Khả dụng trên iOS và Android
Có thể nói Rosetta Stone là một trong những thương hiệu học ngôn ngữ hàng đầu hiện nay. Ứng dụng này giúp bạn học ngôn ngữ theo nguyên tắc: khi học ngoại ngữ, bạn chỉ nên dùng ngôn ngữ đó, chứ không cần dịch qua lại giữa ngôn ngữ đích và ngôn ngữ mẹ đẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng và làm chậm quá trình suy nghĩ cũng như học tập.
Ví dụ, nếu bạn chọn học tiếng Đức, thì Rosetta Stone sẽ chỉ toàn tiếng Đức. Bạn sẽ không thể tìm thấy hoặc nghe thấy bất kỳ từ tiếng Anh nào. Để người học hiểu nghĩa các từ, hệ thống sẽ dùng hình ảnh.
Rosetta Stone cũng hướng đến việc giúp người dùng luyện tập nói rất sớm. Ngay từ những bài đầu tiên, hệ thống sẽ yêu cầu người dùng tập phát âm vào mic. Bằng công nghệ nhận diện giọng nói, hệ thống sẽ đưa ra các đánh giá để xem bạn phát âm có chuẩn hay chưa.
Hiện tại Rosetta Stone cung cấp bài học cho 23 ngôn ngữ. Ứng dụng này tải về miễn phí, nhưng sẽ tích hợp một số dịch vụ/tính năng có trả phí.
6. Mosalingua
Khả dụng trên iOS và Android
Mosalingua là ứng dụng học ngôn ngữ qua flashcard rất thú vị. Nguyên lý học ngôn ngữ của ứng dụng này là người học chỉ nên học những từ ngữ hữu dụng nhất. Vậy nên ngay từ khi bắt đầu, bạn phải chọn mục đích học, chẳng hạn học để du lịch, học vì công việc hoặc học để giao tiếp.
Ứng dụng này cho phép bạn lựa chọn cấp độ để bắt đầu học. Hoặc nếu bạn cũng không rõ mình ở cấp độ nào thì Mosalingua cũng có bài kiểm tra xác định cấp độ.
Với hệ thống flashcard, Mosalingua có thể giúp bạn học rất nhiều kỹ năng ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn trong phần “Nghe & phát âm”, bạn sẽ được cung cấp rất nhiều flashcard từ ngữ, hình ảnh, hoặc đoạn audio phát âm. Bạn cũng có thể ghi âm lại giọng của mình và so sánh với giọng người bản địa.
Hoặc trong phần “Ghi nhớ”, hệ thống sẽ đưa ra một bức tranh và phần dịch nghĩa tiếng Anh của các từ/cụm từ. Nhiệm vụ của bạn là đưa ra bản dịch chính xác.
Trong phần “Viết”, bạn sẽ phải nhập đoạn dịch nghĩa cho các cụm từ, và sau đó lật flashcard lại (bằng cách chạm vào) để xem mình có đưa ra bản dịch chính xác hay chưa. Đồng thời mỗi khi lật flashcard, hệ thống cũng sẽ phát audio của cụm từ đó. Điều bạn cần chú ý là Mosalingua thường tập trung vào các cụm từ hơn là những từ đơn lẻ.
Hiện tại Mosalingua có bài học cho các thứ tiếng như Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức, Nga, Bồ Đào Nha và tiếng Anh. Ứng dụng này miễn phí tải về và phiên bản cao cấp giá 5 USD cho những cấp độ học cao hơn.
7. Mondly
Khả dụng trên iOS và Android
Ứng dụng này khá giống Duolingo, hỗ trợ học nhiều thứ tiếng, có tính năng chơi game để lên cấp, có công nghệ nhận diện giọng nói, cũng như các bài tập dịch nghĩa để kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ.
Điều khiến Mondly khác biệt với những ứng dụng khác là khả năng giải thích ngữ pháp tốt hơn. Chẳng hạn mỗi khi bạn bấm vào một động từ, thì hệ thống sẽ hiện ra cách chia động từ đó và bản dịch nghĩa tương ứng.
Hiện tại Mondly cung cấp bài học cho 34 ngôn ngữ, bao gồm cả những ngôn ngữ ít phổ biến như Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria,…Ứng dụng này miễn phí tải về, nhưng để mở khóa đầy đủ bạn phải trả phí 9.99 USD/tháng hoặc 47.99 USD/năm.
8. Bravolol Travel Phrasebook
Khả dụng trên iOS và Android
Đây là một ứng dụng học ngoại ngữ cho việc du lịch, với hệ thống hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới, bao gồm cả tiếng Malaysia, Hy Lạp và Hindi.
Bravolol Travel Phrasebook lưu trữ những từ và cụm từ thông dụng nhất của các ngôn ngữ. Do đó nếu đang vi vu tại một quốc gia khác mà chợt quên một cụm từ nào đó dù bạn đã học từ trước, thì bạn cũng có thể tra cứu dễ dàng trong Bravolol.
Không chỉ vậy, các từ và cụm từ còn được chia thành từng chủ đề. Mỗi chủ đề đều là các hoạt động phổ biến nhất khi du lịch như chào hỏi, ăn uống, mua sắm, con số,… Vậy nên bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm chỉ với vài từ khóa.
Khi bạn chạm vào một từ hoặc cụm từ, ứng dụng sẽ cung cấp cách phát âm bằng giọng của người bản ngữ. Bạn có thể lặp lại nếu muốn. Còn nếu cảm thấy máy đọc quá nhanh, bạn cũng có thể điều chỉnh tốc độ đọc. Bằng cách này, bạn có thể luyện tập, tự ghi âm và so sánh với giọng bản địa.
Hiện tại Bravovol miễn phí tải về. Tuy nhiên phiên bản hoàn chỉnh của mỗi ngôn ngữ có giá 4.99 USD, và phiên bản hoàn chỉnh tất cả ngôn ngữ có giá 19.99 USD.
9. HelloTalk
Khả dụng trên iOS và Android
HelloTalk là một ứng dụng trao đổi ngôn ngữ. Tức là nó sẽ kết nối bạn với những người bản xứ nói thứ tiếng bạn đang muốn học. Ngược lại người bản địa này cũng muốn học ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn.
Chẳng hạn, bạn là người Anh và muốn học tiếng Pháp. Ứng dụng sẽ kết nối bạn với một người Pháp và muốn học tiếng Anh. Bằng cách này, cả hai có thể giao lưu, trao đổi, học tập cùng nhau.
Bạn có thể giao tiếp thông qua tin nhắn, các đoạn ghi âm hoặc video. HelloTalk còn có nhiều tính năng và chức năng bổ trợ việc học ngoại ngữ khác.
Chẳng hạn, nếu người ghép đôi với bạn nói một câu mà bạn không hiểu, thì bạn có thể sử dụng tính năng “Voice to text”. Khi đó hệ thống sẽ chuyển câu nói đó thành văn bản để bạn nắm bắt dễ dàng hơn. Còn nếu đã ra văn bản mà bạn vẫn chưa hiểu, thì HelloTalk vẫn còn tính năng dịch.
Thậm chí HelloTalk còn có tùy chọn sửa lỗi ngữ pháp. Vậy nên nếu người ghép đôi với bạn gửi một tin nhắn sai ngữ pháp, bạn có thể gửi lại câu đúng, từ đó giúp người bạn kia so sánh và học tập.
10. Tandem
Khả dụng trên iOS và Android
Cũng như HelloTalk, Tandem là một ứng dụng trao đổi ngôn ngữ miễn phí rất đáng cân nhắc. Có thể hình dung ứng dụng này giống như các ứng dụng mạng xã hội vậy, là nơi để bạn kết nối với rất nhiều người bạn thú vị.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của Tandem là đơn vị phát triển ứng dụng này rất có ý thức bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi những người không muốn học ngôn ngữ mà chỉ muốn thả thính hoặc spam.
Lúc bắt đầu, ứng dụng sẽ yêu cầu bạn đảm bảo chỉ sử dụng ứng dụng cho mục đích học ngôn ngữ. Ngoài ra ứng dụng cũng hỏi một số câu hỏi về bản thân, thói quen và sở thích. Bạn sẽ phải đợi vài ngày để hệ thống chấp nhận hồ sơ của bạn.
Ứng dụng này cũng có rất nhiều tùy chọn bộ lọc để bạn đảm bảo chọn được những người thích hợp nhất. Chẳng hạn bạn có thể chọn đối tượng nào có thể nhìn thấy tài khoản của bạn, hoặc chọn chỉ trao đổi với người cùng tuổi, cùng giới tính. Bạn thậm chí cũng có thể lọc bạn bè qua thói quen và chủ đề.
Ở trang cá nhân, bạn có thể tải lên tối đa 6 tấm ảnh. Để làm trang cá nhân trở nên thú vị hơn, bạn nên viết vài dòng giới thiệu thật ấn tượng. Như vậy những người bạn khác cũng sẽ chú ý đến bạn hơn.
Bên cạnh đó, ứng dụng này còn có hệ thống “good vibe”, một kiểu như phản hồi tốt, giúp bạn thấy được một tài khoản nào đó đã nhận được những phản hồi tốt từ các bạn học trước như thế nào. Nếu bạn nghĩ bạn đã tìm ra một người bạn tốt, bạn có thể nhấn theo dõi và đánh dấu trang cá nhân đó.
Ngoài ra, ứng dụng cũng có các bài dạy ngôn ngữ. Vậy nên nếu muốn học các bài học chuyên nghiệp, hãy thử tính năng này. Đây là một tính năng yêu cầu trả phí.
11. Mango Languages
Khả dụng trên iOS và Android
Mango Languages cung cấp bài học cho hơn 70 ngôn ngữ.
Phương pháp giảng dạy của ứng dụng này là “Xây dựng ngôn ngữ trực quan”, tức là các bài học sẽ xoay quanh 4 yếu tố chính trong một ngôn ngữ, bao gồm từ vựng, phát âm, ngữ pháp và văn hóa.
Ứng dụng có nhiều bài học. Mỗi bài học có một đoạn hội thoại cụ thể do chính người bản xứ đọc. Và việc của bạn không chỉ là nghe mà còn theo dõi phần văn bản và phần dịch nghĩa kèm theo. Bạn cũng có thể lặp lại từng dòng hoặc cả đoạn không giới hạn số lần.
Ứng dụng này cũng tích hợp công nghệ so sánh giọng nói. Như vậy bạn có thể so sánh phát âm của mình với phát âm của người bản xứ. Thậm chí hệ thống còn trực quan hóa các âm thanh bằng hình ảnh dải sóng âm để bạn dễ dàng so sánh. Từ đó bạn sẽ biết được mình sai ở đâu và cần điều chỉnh như thế nào.
Bên cạnh đó, các điểm ngữ pháp và văn hóa cũng xuất hiện xuyên suốt bài học, giúp bạn hiểu rộng và sâu các chủ đề.
Điểm trừ duy nhất của ứng dụng này là quá trình đăng ký khá rắc rối. Nếu muốn dùng miễn phí, bạn cần thông qua thư viện của các đối tác. Còn nếu không bạn phải trả phí 20 USD/tháng cho gói sử dụng cá nhân.
12. 50 Languages
Khả dụng trên iOS và Android
50 Languages là một ứng dụng cải thiện từ vựng rất hữu ích, đặc biệt thích hợp cho những ai thích học ngôn ngữ qua văn bản. Dĩ nhiên ứng dụng này cũng có các đoạn âm thanh và hình ảnh. Tuy nhiên giao diện của ứng dụng này phù hợp nhất với văn bản.
50 Languages có hơn 100 bài học miễn phí. Các bài học này giúp bạn giao tiếp ở nhiều tình huống khác nhau. Nó cũng khá hữu ích cho mục đích du lịch với những chủ đề như giao tiếp ở nhà hàng hay trạm xe lửa. Bên cạnh đó ứng dụng này cũng có các phần như cụm từ, sở thích, số đếm 1 – 100.
Ngoài ra, người dùng có thể kiểm tra lại kiến thức đã học thông qua các trò chơi như từ vựng hoặc xếp hình.
Gói “Tất cả ngôn ngữ” của ứng dụng này có giá 9.99 USD. Tuy nhiên mua rồi bạn vẫn sẽ bị làm phiền bởi các quảng cáo. Để tắt hoàn toàn quảng cáo, bạn phải mua thêm dịch vụ khác giá 2.99 USD.
13. Innovative Language
Khả dụng trên iOS và Android
Innovative Language cung cấp bài học cho hơn 30 ngôn ngữ. Tuy nhiên điều đặc biệt nhất là ứng dụng này không chỉ có audio và video bài học từ người bản địa, mà còn từ những giáo viên ngôn ngữ đích thực.
Nếu các ứng dụng khác thường bắt đầu bằng cách cho bạn chơi game và yêu cầu bạn làm một loạt các nhiệm vụ, thì Innovative Language lại cho bạn nghe một video của giáo viên giải thích về một điểm ngữ pháp nào đó hoặc chỉ dẫn sắc thái trong ngôn ngữ.
Chính những bài giảng của giáo viên này là điểm khác biệt giữa Innovative Language và các ứng dụng học ngôn ngữ khác. Bạn không cần lo học như vậy sẽ nhàm chán, vì các video đều đầy đủ màu sắc và có những hình ảnh bắt mắt.
Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng Innovative Language cũng rất năng suất khi mỗi tuần đều cập nhật thêm bài học mới. Vậy nên dù có giá 9.99 USD/tháng nhưng đây vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc.
14. All Language Translator
Khả dụng trên Android
Chắc chắn bạn đã từng rơi vào trường hợp quên béng nghĩa của một từ tiếng Anh thông dụng nào đó dù rằng bạn đã học và nhớ trước đó. Lúc này All Language Translator sẽ là giải pháp hiệu quả, bởi ứng dụng này cung cấp ngay lập tức bản dịch nghĩa tương ứng.
Cách dùng rất đơn giản, bạn chỉ cần nhập một từ, cụm từ, hoặc một câu, sau đó ứng dụng sẽ hiển thị bản dịch ngay lập tức. Còn nếu bạn không thích gõ phím, thì có thể dùng tính năng nói qua mic. Ứng dụng cũng cung cấp nhiều bản dịch nếu các từ có nhiều nghĩa.
All Language Translator có hầu hết các ngôn ngữ, bao gồm cả những ngôn ngữ ít phổ biến như Kannada, Haitian và Telugu. Vậy nên bạn chỉ cần chọn đúng cặp ngôn ngữ mình đang cần là được.
Ứng dụng này miễn phí hoàn toàn và dung lượng chưa đến 2MB, khá đáng cân nhắc.
15. Beelinguapp
Khả dụng trên iOS và Android
Với câu slogan “Học ngôn ngữ qua audiobook”, Beelinguapp có một cách học ngôn ngữ hoàn toàn độc đáo. Ứng dụng này sử dụng các từ và ngữ cảnh để người dùng học tập và ghi nhớ.
Khi sử dụng, người dùng sẽ được nghe các đoạn văn và câu chuyện được đọc bởi người bản địa. Đồng thời hệ thống cũng hiển thị văn bản của 2 ngôn ngữ song song. Mỗi khi audio đọc tới đâu thì hệ thống cũng highlight lên cả 2 văn bản để người dùng dễ theo dõi. Nếu muốn nghe lại, bạn chỉ cần nhấp vào dòng văn bản đó.
Hiện tại ứng dụng hỗ trợ hơn 10 loại ngôn ngữ, và các audio trải rộng từ truyện cổ tích, tin tức, tiểu thuyết cho đến các bài nghiên cứu khoa học. Các nội dung này cũng được cập nhật mỗi tuần do đó bạn không cần lo thiếu nội dung để nghe.
Tổng kết
Xem thêm: Top 12 ứng dụng học ngoại ngữ tốt nhất (2021)
Diều Hâu