flasnews

Đánh giá game Diablo II: Resurrected

Diablo II: Resurrected là bản remaster của game hành động nhập vai chặt chém vô cùng kinh điển cùng tên. Với không ít người chơi, nguyên bản...

Diablo II: Resurrected là bản remaster của game hành động nhập vai chặt chém vô cùng kinh điển cùng tên. Với không ít người chơi, nguyên bản Diablo II là phần chơi hay nhất series này ở thời điểm bài viết, nhưng sức ảnh hưởng của tựa game vượt thời gian này không chỉ dừng ở đó. Nó là nguồn cảm hứng cho không ít cái tên sao chép công thức như Titan Quest, thậm chí là nhiều biến tấu hấp dẫn như series Borderlands. Bản remaster chỉ đại tu đầy ấn tượng khía cạnh nghe nhìn, gần như không có điều chỉnh gì trong trải nghiệm game.

Thế nhưng, so với cảm giác hào hứng từ đợt thử nghiệm trước đó của Diablo II: Resurrected, phiên bản chính thức ít nhiều để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều, nhất là khi trải nghiệm trên các hệ console sử dụng tay cầm. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là tái hiện trọn vẹn cảm giác trải nghiệm xưa cũ, cực đoan đến mức giữ nguyên cả những lỗi game vô cùng khó chịu gây mất cân bằng nghiêm trọng giữa các lớp nhân vật. Trong khi đó, thiết kế giao diện game chưa tối ưu tốt cho điều khiển tay cầm bằng Diablo III: Eternal Collection.

Đánh giá game Diablo II: Resurrected

Gọi là chưa tối ưu tốt nhưng nó không nhất thiết là điểm trừ. Ngược lại, tôi cũng khó lòng xem đó là điểm cộng. Nó liên quan đến định hướng thiết kế của Diablo II: Resurrected nhằm giữ nguyên cảm giác trải nghiệm xưa cũ. Điều này thể hiện ở giao diện game vẫn duy trì thiết kế của game gốc cùng những hạn chế ít nhiều đều gây ức chế của nó. Chính vì vậy mà đội ngũ phát triển phải thay đổi cách tương tác bằng tay cầm khác với Diablo III. Bạn có thể dùng cần analog mô phỏng con trỏ chuột hoặc tiện hơn là nhảy mục tương tác bằng d-pad.

Diablo II: Resurrected chào đón người viết với đoạn phim mở đầu vô cùng ấn tượng về chất lượng được làm lại mới hoàn toàn. Thế nhưng tương tự Immortals Fenyx Rising, ngay sau đó là phần bắt buộc liên kết tài khoản Battle.net khi trải nghiệm trên các hệ console. Đáng nói, nếu không có sẵn tài khoản Battle.net miễn phí thì đó là lỗi của bạn! Đã vậy, game còn trừng phạt “lỗi lầm” này bằng cách không cho trải nghiệm đến khi bạn liên kết tài khoản, kể cả trường hợp người chơi không có nhu cầu chơi online vì bất kỳ lý do gì.

Đây là yêu cầu vô cùng khó hiểu và gây phiền phức không đáng có cho người chơi console thường có thói quen mở game lên là chơi, không cần quan tâm đến các vấn đề khác. Đáng chú ý, Diablo II: Resurrected chia nhân vật cho trải nghiệm offline và online riêng chứ không dùng chung như Diablo III. Điều đó cũng đồng nghĩa bạn không thể dùng nhân vật được tạo cho trải nghiệm offline để chơi online và ngược lại. Không những vậy, bản remaster cũng loại bỏ luôn tính năng hỗ trợ multiplayer local của game nguyên bản.

Đây là điểm trừ không hề nhỏ ở góc độ người chơi, đặc biệt là trải nghiệm trên hệ máy của Nintendo. Trong khi nhiều nhà phát triển thường có động thái ưu ái người chơi máy Switch và bổ sung tính năng multiplayer local vốn không có trên các hệ máy khác, nhưng đội ngũ phát triển Diablo II: Resurrected lại chọn lối đi riêng. Đáng nói hơn, tính năng này vốn có sẵn trong game nguyên bản, thậm chí còn được Diablo III hỗ trợ trên tất cả các hệ console. Thế nhưng, không rõ lý do gì mà nó lại “bay màu” khỏi bản remaster.

Đánh giá game Diablo II: Resurrected

Thiết kế gameplay của Diablo II: Resurrected vẫn giống hệt nguyên bản, không có gì thay đổi. Chẳng hạn, NPC Akara vẫn chỉ cho bạn tẩy điểm kỹ năng duy nhất một lần trong từng cấp độ khó. Muốn tẩy được nhiều lần thì phải chế đồ khi thu thập vật phẩm từ tiêu diệt các con boss và chỉ dành cho trải nghiệm ở thiết lập độ khó Hard. Thế nhưng muốn mở khóa Hard, bạn phải hoàn thành trải nghiệm hai lần để mở khóa đến cấp độ khó này. Để thỏa điều kiện, người chơi phải tốn không ít thời gian trải nghiệm và cày cuốc cho nhân vật. Đó mới là vấn đề.

Diablo II: Resurrected chỉ thêm tính năng rất nhỏ là tùy chọn tự động nhặt vàng và chỉ có thế. Bản remaster không bổ sung tính năng nào khác đáng chú ý giúp cải thiện tính tiện dụng trong trải nghiệm game. Điều đó khiến tôi không tránh khỏi chút cảm giác thất vọng. Ở góc độ người chơi, tôi hiểu định hướng thiết kế của bản remaster. Tuy nhiên, thay vì buộc tất cả người chơi phải tuân theo thiết kế cũ kỹ và có phần lỗi thời của game nguyên bản, đội ngũ phát triển hoàn toàn có thể đưa những tính năng tiện dụng vào game dưới dạng tùy chọn.

Tương tự, bất chấp đồ họa được đại tu và hiệu ứng ánh sáng tuyệt đẹp, góc nhìn chéo từ trên xuống mà bản remaster kế thừa từ Diablo II vẫn tiếp tục gây phiền nhiễu. Nó không che giấu được những điểm trừ của thiết kế đã hơn 20 năm tuổi của trò chơi ở thời điểm bài viết. Từ trải nghiệm khám phá không có tính cầm tay chỉ việc, đến màn chơi Maggot Lair vẫn tạo cảm giác chật chội rất khó chịu. Một cú nhấp chuột thiếu thận trọng khi chơi trên PC có thể dẫn đến cái chết không mong muốn cho nhân vật điều khiển. Boss rơi đầy vật phẩm rác v.v…

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác đang từ thiên đàng rớt xuống địa ngục khi lần đầu tiêu diệt Baal trong game gốc. Vật phẩm rơi ra cả đống, cặm cụi bấm từng cái Scroll of Identify để định danh các món và nhận ra chúng đều là vật phẩm rác. Đặc biệt, vấn đề cân bằng game khiến lớp nhân vật này mạnh hơn lớp nhân vật kia vẫn vậy. Hệ thống hành trang gây ức chế, không có cầm tay chỉ việc khi làm nhiệm vụ v.v… Tất cả những vấn đề từ game nguyên bản đều được tái hiện trong trải nghiệm Diablo II: Resurrected mà không có điều chỉnh nào.

Đánh giá game Diablo II: Resurrected

Kỳ thực, toàn bộ trải nghiệm Diablo II: Resurrected khá lỗi thời so với thiết kế game hiện đại ngày nay. Thế nhưng, lối chơi đơn giản của nó mới là cái hồn sống mãi cùng thời gian của game nguyên bản và điều này không hề thay đổi trong bản remaster. Vòng lặp gameplay xoay quanh việc khuyến khích người chơi khám phá cách build các lớp nhân vật khác nhau thông qua khám phá, thu thập các chiến lợi phẩm và đánh boss. Đó là những thứ tạo nên sự cuốn hút cho trò chơi từ xưa đến nay. Trải nghiệm càng hấp dẫn bội phần khi có bạn chơi cùng.

Về cơ bản, Diablo II: Resurrected vẫn mang đến trải nghiệm nguyên vẹn của năm 2000, đầy đủ những vui buồn mà không ít người chơi từng trải qua. Khác chăng chỉ là lớp đồ họa mới hoàn toàn thay cho những hình ảnh đầy pixel với độ phân giải thấp ngày xưa. Đó là chưa kể hiệu ứng ánh sáng tuyệt đẹp, chuyển động nhân vật mượt mà, tạo nên cảm giác trải nghiệm vừa lạ lại vừa quen trong từng khung cảnh quen thuộc cũ. Khía cạnh hình ảnh gần như tương đồng trên tất cả các nền tảng kể cả phiên bản Nintendo Switch, chỉ khác ở độ phân giải.

Đặc biệt, tông màu của Diablo II: Resurrected vẫn giữ được cái hồn của nguyên bản, không màu mè như Diablo III làm mất đi không khí đặc trưng của series này. Xuyên suốt trải nghiệm game thường trực cảm giác u ám, đầy tử khí được khắc họa rõ nét và chi tiết trong từng khung hình. Thậm chí nếu muốn, bạn cũng có thể chuyển đổi qua lại giữa lớp đồ họa mới và cũ bất kỳ lúc nào trong lúc trải nghiệm game. Soundtrack được đại tu cũng góp phần không nhỏ mang đến không khí trải nghiệm đặc trưng từ game gốc trong bản remaster này.

Ở thời điểm bài viết, Diablo II: Resurrected có chất lượng trải nghiệm multiplayer không tốt như Diablo III. Tôi chỉ không rõ vấn đề này do tình trạng internet trong nước khá tệ vì mùa đứt cáp quang biển hay do hệ thống server từ Blizzard. Riêng phiên bản Switch còn có vấn đề nhỏ như con thỏ là khó đọc chữ ở chế độ handheld. Mặc dù trò chơi có tùy chọn Large Font trong Options, nhưng tính năng này gần như không giải quyết được vấn đề nói trên. Bản PlayStation 5 thì không tận dụng tốt tính năng của tay cầm DualSense.

Đánh giá game Diablo II: Resurrected

Sau cuối, Diablo II: Resurrected mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai chặt chém rất hấp dẫn. Thế nhưng, định hướng thiết kế của game để lại cảm nhận khá trái chiều tùy vào đối tượng người chơi. Nếu bạn là người chơi hardcore của Diablo II kinh điển, đây chắc chắn là cái tên không thể bỏ qua. Ngược lại, những ai đến với series này từ Diablo III khó tránh khỏi sự cân nhắc không hề nhỏ trước khi quyết định móc hầu bao. Kỳ thực, đó là hai trải nghiệm hoàn toàn khác nhau gần như mọi khía cạnh.

Diablo II: Resurrected hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Bản PC hiện chỉ có trên Battle.net.

Nintendo esHop

Diablo® II: Resurrected™ (Code needed, Microsoft Store) →

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số  
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đánh giá game Diablo II: Resurrected

Related

Công nghệ 5094978216629378354

Đăng nhận xét Default Comments

emo-but-icon

Follow Us

Hot in week

Recent

Comments

Side Ads

Text Widget

Design is not just what it looks like and feels like. Design is how it works. - Steve Jobs

Connect Us

item