Đánh giá game Omen of Sorrow
Omen of Sorrow là game song đấu đối kháng sở hữu cơ chế điều khiển khá truyền thống với chủ đề kinh dị từ dàn nhân vật đến thiết kế màn đấu....
Omen of Sorrow là game song đấu đối kháng sở hữu cơ chế điều khiển khá truyền thống với chủ đề kinh dị từ dàn nhân vật đến thiết kế màn đấu. Khi nói truyền thống thì đó là hệ thống chiến đấu trong không gian 2D có 2 nút đấm và 2 nút đá. Người chơi điều khiển nhân vật thông qua thực thi các tuyệt kỹ xoay 1/4 cần analog tương tự series Street Fighter kinh điển. Nó đòi hỏi bạn phải nhớ tuyệt chiêu chứa rất nhiều nút bấm của mỗi nhân vật, kết hợp thành combo tấn công đẹp mắt và ảo diệu khiến đối thủ bay hơn nửa thanh HP.
Những năm gần đây, bên cạnh những tên tuổi lớn hơn đã có chỗ đứng trên thị trường như Street Fighter hay Guilty Gear, dòng game song đấu có khá nhiều gương mặt mới nổi ít được biết đến. Omen of Sorrow là một trong số đó khi phát hành lần đầu trên PlayStation 4 vào cuối năm 2018, có mức “ngáo giá” từng khiến người viết phải choáng váng. Bẵng đi một thời gian dài sau khi đổi nhà phát hành, “đứa con đầu lòng” của nhà phát triển AOne Games đến từ đất nước Chile ở Nam Mỹ mới trở về giá đúng và tấn công các nền tảng khác.
Sinh sau đẻ muộn, không có gì lạ khi Omen of Sorrow chọn bối cảnh kinh dị làm chủ đạo thiết kế để tạo sự khác biệt. Dàn đấu sĩ đều là những “khuôn mặt đáng thương” lấy cảm hứng từ các tác phẩm trên thế giới. Vài nhân vật trong đó khiến tôi khá bất ngờ như thầy tế Ai Cập cổ đại Imhotep, tổng lãnh thiên sứ Zafkiel hay “thằng gù nhà thờ Đức Bà” Quasimodo. Đó là chưa kể một số nhân vật “trai tài gái sắc” mà tôi không rõ quê quán hay lấy cảm hứng từ đâu. Mỗi nhân vật đều sở hữu nét riêng trong xây dựng hình ảnh và tuyệt kỹ.
Đơn cử như cơ thể Imhotep tách rời nhau. Nửa trên có thể lơ lửng tự do vận động, kết hợp cùng nửa dưới tấn công đối thủ từ hai phía. Một số chiêu tấn công của nhân vật này gợi nhớ đến Dhalsim trong Street Fighter V: Champion Edition. Hay như nữ bá tước xinh đẹp và gợi cảm Erzsébet có rồng hộ vệ trong chiến đấu. Nhân vật nào cũng có kỹ năng riêng khác biệt với các đấu thủ khác, mang đến trải nghiệm song đấu vô cùng hấp dẫn. Omen of Sorrow cũng sở hữu một số cơ chế gameplay khá độc đáo, chẳng hạn Fate/Fortune.
Mô tả đơn giản thì hệ thống Fate/Fortune được thiết kế thưởng cho người chơi tấn công và phạt người chơi phòng thủ hoặc cố tình câu giờ. Đây là điều khá quan trọng khi Omen of Sorrow tập trung vào đấu online hơn là offline. Tùy thuộc vào diễn biến trận chiến mà thanh Fate/Fortune thay đổi tăng Fate hay Fortune, gián tiếp dẫn đến những trạng thái khác nhau cho nhân vật. Đơn cử như Doomed khiến đấu sĩ bị vô hiệu hóa phần lớn các tuyệt kỹ. Ngược lại, Blessed giúp nhân vật dễ thi triển combo từ các đòn tấn công cơ bản hơn.
Omen of Sorrow còn những cơ chế khác liên quan đến hệ thống Fate/Fortune kể trên, nhưng tôi muốn để dành cho bạn khám phá trong trải nghiệm. Chúng góp phần không nhỏ giúp trải nghiệm song đấu khá cân bằng và thỏa mãn dù chơi offline hay online cùng đối thủ khác. Tuy nhiên, tính phức tạp của các cơ chế này khiến người chơi ‘amateur’ như tôi khó vận dụng thành chiến thuật chiến đấu với những địch thủ người. Trong khi đó, các trận đấu với AI ở thiết lập độ khó mặc định hiếm khi gây thử thách cho người chơi giỏi bấm loạn nút như tôi.
Đáng chú ý, đồ họa của Omen of Sorrow có chất lượng khá tốt. Thiết kế màn đấu khá chi tiết với những bối cảnh quen thuộc thường được khai thác trong các đề tài kinh dị. Mặc dù trận đấu diễn ra trong không gian 2D, nhưng các nhân vật đều được dựng hình 3D với mức độ chi tiết ở mức khá. Tuy chỉ có 12 nhân vật ít hơn cả Guilty Gear -Strive-, nhưng đây vẫn là điểm cộng của trò chơi khi so về mức giá và lượng nội dung. Chỉ hơi tiếc là chuyển động của các nhân vật nhìn hơi cứng, ít nhiều cũng làm giảm sự hào hứng khi song đấu.
Đáng chú ý, bản Xbox One mà tôi trải nghiệm có vài thay đổi về nội dung so với PlayStation 4 phát hành trước đó. Cụ thể, chế độ chơi Story nhàm chán đã biến mất chỉ còn Arcade, Versus và Survival cùng với Training. Omen of Sorrow không còn yếu tố mở khóa nhân vật thông qua trải nghiệm nữa. Tất cả nhân vật ẩn trong nguyên bản PS4 đều có sẵn cho người chơi chọn làm đấu sĩ, kể cả Thalessa có điều kiện mở khóa rất thử thách trước đây. Ở góc độ người chơi, đó là thay đổi đáng chào đón nhưng “dân chơi” hardcore chắc không thích điều này.
Chế độ Online trong Omen of Sorrow có netcode khá tốt, nhưng ở thời điểm bài viết không có nhiều người thách đấu. Thông qua mở khóa từ trải nghiệm các chế độ chơi Battle, bạn cũng có thể tùy biến danh hiệu và biểu tượng đại diện cho ID của người chơi. Thế nhưng, game có một điểm trừ mà tôi không thích là achievement/trophy phần lớn liên quan đến trải nghiệm online. Trong khi đó, phần dành cho trải nghiệm offline lại mang nặng tính cày cuốc, hướng đến “ma cũ” chơi lâu hơn là khuyến khích trải nghiệm game theo kiểu giải trí vui vẻ.
Sau cuối, Omen of Sorrow mang đến một trải nghiệm song đấu đối kháng hấp dẫn với bối cảnh và hệ thống gameplay rất có dấu ấn riêng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là quy mô nhỏ, chưa khai thác hết tiềm năng vốn có, đặc biệt là thiếu chế độ Story để người chơi hiểu thêm về thế giới và các nhân vật trong game. Ngoài vấn đề đó, đây kỳ thực là cái tên rất đáng cân nhắc với những ai yêu thích thể loại dễ chơi nhưng khó thành cao thủ này.
Omen of Sorrow hiện có cho PlayStation 4 và Xbox One. Bản PC dự kiến phát hành trong thời gian tới.
Omen of Sorrow ($19.99 $15.99, Microsoft Store) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đánh giá game Omen of Sorrow